Tái tổ chức không gian đô thị nông thôn - Làng sinh thái công nghệ
Một quốc gia có phát triển được hay không, một phần rất lớn nhờ vào con người. NUÔI DƯỠNG CON NGƯỜI - Phát triển nguồn nhân lực do đó luôn được coi là một trong những khâu đột phá trong chiến lược kinh tế các cấp. Chất lượng nguồn nhân lực lại phục thuộc vào hai yếu tố chính: năng lực và sự nỗ lực làm việc.
Năng lực chủ yếu của nguồn nhân lực là do giáo dục đào tạo, mà điều quan trọng nhất là cần phải biết rõ cần đào tạo cái gì và đào tạo như thế nào. Càng ngày, người ta càng nhận thấy việc truyền đạt những thông tin, kiến thức phổ thông ngày càng ít giá trị, khi mọi người đều có thể tra cứu những thông tin, kiến thức đó một cách dễ dàng trên mạng. Việc đào tạo những tay nghề cụ thể cũng rất khó, vì nhu cầu của thị trường vô cùng đa dạng và thay đổi liên tục.
Theo các chuyên gia chiến lược của Israel, con người trong thời đại mới chỉ cần có ba năng lực chính mang tính phổ quát, để có thể có được mức sống cao, cuộc sống ý nghĩa và tương lai bền vững.
Năng lực thứ nhất là khả năng hoà đồng với thiên nhiên, khả năng tự tạo ra cho mình một môi trường sinh thái sạch, hấp dẫn để sống trong đó như một bộ phận hữu cơ, cho dù điều kiện tự nhiên ở nơi sinh sống đó có bất lợi thế nào đi nữa. Việc thấu hiểu công nghệ trong nông lâm nghiệp, hiểu bản chất hệ sinh thái cũng như ý thức hoà đồng với môi trường là kỹ năng sống hàng đầu.
Năng lực thứ hai là làm chủ lĩnh vực công nghệ số, đặc biệt là kỹ năng lập trình cũng như kết nối làm việc xuyên không gian, để có thể luôn cập nhật những thông tin, kiến thức mới và tự kiến tạo nên thế giới sống và làm việc số của mình.
Năng lực thứ ba là có khả năng sáng tạo, để luôn phát triển được bản thân và tạo ra sản phẩm mới mẻ.
Đặc biệt quan trọng là việc tích luỹ 3 năng lực nói trên không phải chỉ diễn ra một lúc trong một vài khoá đào tạo, mà là quá trình trau dồi và phát huy suốt đời, phụ thuộc lớn vào môi trường sống và làm việc. Ngoài ra, độ hấp dẫn của thành quả đạt được trong cuộc sống là một động lực quan trọng cho việc phát triển nguồn nhân lực.
Việc những người già sẽ sống như thế nào, và khi chết, kết thúc hành trình sống được đối xử như thế nào, có ảnh hưởng rất lớn tới sự nỗ lực lao động trong suốt cuộc đời. Nếu những người già không có điều kiện sống nào tốt ngoài những trại dưỡng lão lạnh lẽo và khi chết được đưa ra nghĩa trang như một loại rác thải, cho dù cả đời có tích luỹ được nhiều tiền bạc và thành công, thì con người sẽ có ít động lực để cố gắng.
Việc tổ chức không gian là một khía cạnh ảnh hưởng rất lớn tới những khâu mấu chốt trong việc hình thành và phát huy nguồn năng lực con người của một quốc gia, một vùng hay đô thị. Không gian có thể hỗ trợ hay cản trở việc đào tạo, hình thành, phát huy, sử dụng ba năng lực cốt lõi của con người nói trên. Không gian cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng sống của người cao tuổi cũng như quyết định hình ảnh về cái chết, sự kết thúc của con người có đẹp hay xấu, qua đó ảnh hưởng tới động lực phát triển của cả xã hội.
Đặc điểm địa hình tự nhiên của Việt Nam là có 4/5 đồi núi, ít thuận lợi hơn cho phát triển, và 1/5 là diện tích đồng bằng, tương đối thuận lợi. 4/5 dân số tập trung trong 1/5 diện tích đồng bằng này. Trong nội bộ 1/5 diện tích đó, đa phần dân cư lại sống tập trung trong khoảng 1/5 diện tích là đất xây dựng đô thị và các khu dân cư nông thôn. Phần còn lại chủ yếu là không gian nông nghiệp. Trước đây, phần không gian nông nghiệp này chủ yếu được coi như không gian sản xuất chính, trong khi không gian xây dựng là không gian ở. Việc co cụm không gian ở trong diện tích tương đối hẹp có ích lợi là giảm chi phí đầu tư hạ tầng, tăng tương tác và dịch vụ xã hội, đồng thời dành quỹ đất cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, càng ngày, chúng ta càng nhận thấy xu hướng là hiệu quả và năng suất nông nghiệp càng giảm tương đối, trong khi không gian sống đô thị ngày một chật chội, ô nhiễm, có nhiều vấn đề. Mặt khác, những diện tích nông nghiệp bị áp lực về năng suất, dẫn tới xu hướng thâm dụng tài nguyên, gây ô nhiễm và suy thoái môi trường trên diện rộng. Tất cả cho thấy việc tách biệt diện tích nông nghiệp khỏi diện tích định cư, dành một diện tích rất lớn chỉ chuyên canh vào nông nghiệp, càng ngày càng trở nên không tối ưu. Trong môi trường chật chội của các khu định cư đô thị và nông thôn, con người bị tách rời khỏi tự nhiên, khỏi hệ sinh thái, cảnh quan, bị cô đơn và cô lập, không có giao tiếp xã hội mặc dù sống trong đám đông và không có không gian để thực hành sáng tạo. Loại không gian như vậy không hỗ trợ cho việc tạo nên những nguồn nhân lực có sức khoẻ thân thể và tâm lý tốt, có kiến thức và ý thức về hệ sinh thái, có năng lực giao tiếp cộng đồng cũng như có khả năng sáng tạo. Vì thế, một trong những khâu đột phá trong việc quy hoạch hệ thống đô thị nông thôn quốc gia trong 30 năm tới là phải tái cấu trúc lại không gian đặc biệt là khu vực đồng bằng trên toàn quốc, nhằm tạo ra những không gian sống và phát triển tốt hơn cho đa số người dân Việt Nam. Định hướng cơ bản cho việc tái tổ chức không gian này trên quy mô quốc gia là việc tạo ra những không gian sống mới, có chất lượng tốt hơn cho người dân, đặc biệt nằm ở khu vực giao diện giữa không gian định cư cũ và không gian nông nghiệp, nhất là ở khu vực ven đô. Những không gian mới này được tạm gọi là những làng sinh thái công nghệ, hay Eco-Tech-Village, với 3 tính chất chính như sau:
1- Eco: Muốn tạo ra một môi trường sống tốt cho con người, trước hết phải đặt tính chất sinh thái lên hàng đầu, thay vì sản xuất nông nghiệp. Cần tái cấu trúc những không gian trống, đặc biệt là không gian nông nghiệp hiện hữu, theo nguyên lý sinh thái, để tạo ra một nền tảng sống tốt cho con người. Nguyên lý của việc tạo ra môi trường sinh thái này là:
- Thuận thiên: Can thiệp ít nhất vào hệ thống tự nhiên. Phát huy những đặc tính tự nhiên của từng khu vực để tạo ra môi trường sống và nền sản xuất nông nghiệp bền vững.
- Phục hồi hệ thống tự nhiên: Đặc biệt là NUÔI ĐẤT , NUÔI NƯỚC , để tạo ra một môi trường đất và nước lành mạnh, trong sạch, bền vững. Ngoài ra, có thể trả lại một phần diện tích không thật hiệu quả kinh tế cho tự nhiên, cho phục hồi đa dạng sinh học. Đặc biệt quan trọng là những vùng đất ngập nước ở đồng bằng và ven biển, là những khu vực có tiềm năng đa dạng sinh học cao. Đối với những diện tích giữ làm nông nghiệp, cần theo những nguyên lý về canh tác tự nhiên, tuần hoàn, sinh thái v.v. để diện tích nông nghiệp cũng có thể được coi phần nào như một hệ sinh thái lành mạnh.
2- Techno: Muốn phát triển con người và xã hội, không chỉ dựa vào nền tảng tự nhiên, mà còn có một nền tảng kỹ thuật. Trong đó, hạ tầng số được cho là yếu tố đột phá, trọng yếu hơn cả phần hạ tầng cứng. Việc tích hợp giữa hạ tầng số và hạ tầng cứng trong những concept về đô thị thông minh có thể phát huy hiệu quả của cả hai loại hạ tầng lên một bước nữa. Đặc biệt, muốn phát triển yếu tố công nghệ, cần có không gian cho trải nghiệm, thử nghiệm, sáng tạo. yếu tố kỹ thuật cần được luôn luôn làm mới chứ không thể được xây dựng hoàn thiện tại một thời điểm.
3- Village: Cấu trúc không gian sống và làm việc của người dân được tổ chức như một tổ hợp của yếu tố tự nhiên, sinh thái, kỹ thuật và không gian ở, không gian xây dựng, tạo thành những cộng đồng. Việc tổ chức không gian thành những cộng đồng là yếu tố tiên quyết để tạo ra những năng lực xã hội, những giao tiếp xã hội, và cũng sẽ làm phát triển nhiều lĩnh vực thương mại dịch vụ và sáng tạo. Tuy nhiên, những cấu trúc "làng" hiện đại này có một số điểm khác hẳn với những làng xóm nông thôn cổ truyền sau luỹ tre làng. Vấn đề ở đây không phải là phục chế những cấu trúc làng xóm cổ xưa, mà tạo ra những cộng đồng mới, với một số đặc điểm chính sau:
- Sự song hành giữa cộng đồng thực và cộng đồng số: Những Làng công nghệ mới có thể là những trụ sở không gian cho những cộng đồng phi không gian rất rộng lớn, có thể là quy mô toàn cầu, chứ không chỉ bao gồm những cư dân sống trực tiếp tại một địa điểm.
- Làng du mục số: Những cư dân trong thời đại công nghệ số tương lại được cho là có lối sống du mục. Họ có thể di chuyển khắp nơi như những đàn chim di cư trong một vùng, một quốc gia hay toàn cầu, không phụ thuộc nhiều vào nơi chốn cụ thể, nơi có hộ khẩu thường trú. Khi những cộng đồng này tạm đỗ xuống đâu thì nơi đó sẽ có những phát triển lan toả về khoa học, công nghệ, thị hiếu cập nhật nhất. Các "làng công nghệ sinh thái" do đó không phải là nơi sinh sống cố định, đời nọ truyền đời kia của một nhóm người, mà là những bãi đỗ cho những luồng người luôn luôn đổi mới. Tốc độ luân chuyển người sử dụng càng cao thì động lực phát triển, khả năng cập nhật, làm mới, sáng tạo của một địa điểm càng lớn. Từ đó, những thước đo độ hấp dẫn và giá trị không gian của các làng này sẽ hoàn toàn khác với truyền thống. Nó là những không gian sống và làm việc tốt cho nhiều người. Mỗi không gian có bản sắc riêng, thu hút những người du mục số trong những thời điểm nhất định trong năm hoặc trong chu trình sống của họ, chứ không phải là không gian tích tụ và đóng cứng của một nhóm người cụ thể qua hàng trăm năm. Vấn đề tư hữu, sở hữu đất đai và bất động sản không quan trọng bằng công năng sử dụng và chia sẻ tiện ích đối với những làng du mục số này.
- Makerhood: Những làng này không phải chủ yếu là không gian ở như những neighbourhood trước đây, mà là những quần thể không gian sống, học tập, trải nghiệm, làm việc và sáng tạo, trong đó, yếu tố kiến tạo là nội dung cơ bản của không gian này, chứ không phải là yếu tố tiêu dùng. (Những không gian sống thời công nghiệp thường được coi là không gian tiêu dùng, nhằm phục hồi và tái tạo sức lao động cho người công nhân để rồi họ ra nhà máy làm việc)
- Transgeneration: Không gian này cần tạo sự chuyển tiếp nhuần nhuyễn từ người trẻ tới người già, để đào tạo năng lực cho lớp trẻ, phát huy quá trình sáng tạo và trau dồi suốt cuộc đời, đồng thời tạo hoạt động cho người cao tuổi, cũng như tận dùng nguồn nhân lực và tài lực của nhóm người cao tuổi cho quá trình phát triển.
Những "làng sinh thái công nghệ" này cần được xác định như những dạng tổ chức không gian đô thị nông thôn cơ bản, bên cạnh những khu đô thị, khu dân cư nông thôn trước đây, và được quản lý với những chế tài riêng của luật xây dựng và luật đất đai. Có thể coi đây như những loại hạ tầng tổng hợp quan trọng, thiết yếu của mọi địa phương, mọi đô thị, cần được đưa vào quy chuẩn và quản lý, đặc biệt bởi chương trình phát triển đô thị.
Tác giả: Phó Đức Tùng
Bài viết liên quan
-
08-11-2022 304
Kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam và đề xuất giải pháp thúc đẩy
Trong những năm qua, ngành Nông nghiệp Việt Nam đã có những thành tựu vượt bậc, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010 – 2020 đạt 3%/năm, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực và kim ngạch xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp chỉ chú trọng đến năng suất, sản lượng mà chưa quan tâm đến việc tận dụng các chất thải từ quá trình sản xuất gây lãng phí tài nguyên và ô nhiễm môi trường (ÔNMT).